Khánh Hòa: Chính Quyền Chiếm Đoạt Và Tư Nhân Hóa Tu Viện DCCT Nha Trang - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
19 tháng 4, 2015

Khánh Hòa: Chính Quyền Chiếm Đoạt Và Tư Nhân Hóa Tu Viện DCCT Nha Trang

NHÀ CẦM QUYỀN TỈNH KHÁNH HOÀ CHIẾM ĐOẠT VÀ TƯ NHÂN HOÁ TU VIỆN DCCT NHA TRANG HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ BẤT CỨ CƠ SỞ PHÁP LUẬT NÀO

GNsP (19.04.2015) - Một số qui định và các căn cứ pháp lý chứng minh nhà cầm quyền hành xử sai đối với việc “chiếm đoạt” và “tư nhân hóa” tài sản Nhà- đất của Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Nha Trang (“Tu viện Nha Trang”) - thuộc Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam:

I. Những qui định pháp luật liên quan đến nhà- đất Tôn giáo - trước ngày 23 tháng 12 năm 1978, tức ngày có Quyết định số 3780/VP-CTNĐ của UBND tỉnh Phú Khánh (cũ) V/v “chính quyền nhà nước chấp nhận trực tiếp quản lý sử dụng khu vực nhà đất của Dòng Chúa Cứu Thế Nha Trang” (“Quyết định số 3780/VP-CTNĐ”):

1) Sắc lệnh số 234/SL ngày 14/6/1955 của chủ tịch nước VNDCCH khẳng định: “Các nhà thờ, chùa, đền, miếu, thánh thất và các đồ thờ, các trường giáo lý của tôn giáo được luật pháp bảo hộ”.

2) Hiến pháp năm 1959 của nước VNDCCH qui định: “Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu của công dân về của cải thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở và các thứ vật dụng riêng khác” (Điều 18).

3) Ngày 30/10/1976, Thủ tướng chính phủ có Quyết định số 434/TTg “về chủ trương đối với việc tư nhân xin hiến tài sản cho nhà nước” (“Quyết định số 434/TTg”) qui định rõ: Đối với các Tổ chức Tôn Giáo thì chỉ có thể “chấp nhận cho hiến: … đối với cơ sở kinh doanh” (điểm d mục 1). Và khi hiến phải “…tự giác kê khai rõ và đầy đủ toàn bộ tư liệu sản xuất xin hiến (bao gồm: cơ sở sản xuất, kinh doanh; nhà cho thuê, kho tàng, ngân phiếu, tiền gửi ngân hàng, vàng bạc, kim cương, đá quý dùng làm vốn dự trữ kinh doanh…); tài sản xin hiến cho Nhà nước phải là tài sản có giá trị sử dụng nhất định và cần cho sản xuất. Nhà nước chủ trương không nhận hiến các tư liệu sinh hoạt, kể cả đồ trang sức bằng vàng bạc, v.v...” (mục 3).

4) “Chính sách quản lý và cải tạo XHCN đối với nhà, đất cho thuê ở các đô thị, các tỉnh phía Nam” (Ban hành kèm theo Quyết định số 111- CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng chính phủ); Sau “thay đổi đề mục văn bản tên gọi” của chính sách này là “Chính sách quản lý và cải tạo XHCN đối với nhà, đất ở các đô thị, các tỉnh phía Nam” (theo Quyết định số 305/CP ngày 17/11/1977 của Hội đồng chính phủ); tức chính sách này là “chung” đối với nhà, đất ở các đô thị, các tỉnh phía Nam, không chỉ riêng “cho thuê”; qui định “Đối với nhà, đất của các Đoàn , Hội Tôn Giáo” vẫn là chủ trương, chính sách : “Nhà nước bảo hộ mọi nhà thờ, chùa chiền, miếu mạc, thánh thất được thực sự và thuần tuý dùng vào việc thờ cúng hành đạo” (khoản 1 mục III). Nhà nước chỉ “tịch thu toàn bộ nhà đất của các Đoàn Hội các tổ chức không được Nhà nước thừa nhận và cho phép hoạt động”. Và đối với “Nhà, đất của các đoàn, hội, các tổ chức khác và của các tôn giáo hiện đang cho thuê được giải quyết theo chính sách chung về nhà, đất cho thuê. Riêng đối với các nhà tập trung của các tổ chức, các tôn giáo đã cho hội viên, giáo dân của mình nhờ, hoặc ở thuê với giá rất rẻ mà không nằm trong phạm vi nơi thờ cúng, hành đạo thì Nhà nước có thể xét cấp hẳn cho người đang sử dụng. Những nhà cửa đất đai khác còn bỏ trống hoặc dùng vào mục đích không phải thờ cúng, hành đạo, thì Nhà nước vận động thuyết phục giáo dân giao cho Nhà nước dùng vào việc phục vụ lợi ích chung” (khoản 2, 3, 4 mục III).

5) Thông tư số 31-BXD ngày 18/10/1977 của Bộ Xây dựng “giải thích và hướng dẫn thi hành chính sách quản lý và cải tạo XHCN đối với nhà, đất ở các đô thị, các tỉnh phía Nam” (“Thông tư số 31-BXD”) đã hướng dẫn: “Quyết định số 111/Cp ngày 14/4/1977 của Hội đồng chính phủ đã nêu rõ chính sách đối với nhà, đất của đoàn, Hội, Tôn giáo…song vì đặc điểm tình hình những Tôn giáo có những nét riêng biệt và vấn đề này thường có liên quan đến các chính sách khác của đảng và nhà nước nên khi tiến hành phải hết sức thận trọng. Nội dung, hình thức đấu tranh để giải quyết vấn đề nhà đất của các tổ chức Tôn giáo phải được sự đồng tình ủng hộ của đa số tín đồ Tôn giáo và tranh thủ ý kiến của những người tiến bộ đứng đầu các tổ chức Tôn giáo…”.

II. Căn cứ pháp lý:
1) Như vậy, trước và sau ngày 304/1975, cho đến tháng 12/1978, ngày có Quyết định số 3780/VP-CTNĐ, chủ trương, chính sách của nhà nước là: Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu- quyền sử dụng tài sản nhà- đất của các tổ chức Tôn giáo.

2) Quyết định số 3780/VP-CTNĐ của UBND tỉnh Phú Khánh lúc bấy giờ “chiếm đoạt” Tu viện Nha Trang có 2 nội dung đáng chú ý, chứng minh Quyết định này “trái phép”:
a) Quyết định số 3780/VP-CTNĐ “quản lý sử dụng Tu viện Nha Trang” nêu rõ: “Căn cứ vào Quyết định số 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng chính phủ ban hành chính sách quản lý và cải tạo XHCN đối với nhà, đất của tỉnh phía Nam phần nói về các cơ sở Tôn giáo”. Thế nhưng, như trên đã trích dẫn, Chính sách cải tạo XHCN (ban hành kèm theo Quyết định số 111-CP) này, phần nói về các cơ sở Tôn giáo, đã qui định rõ: “Nhà nước bảo hộ mọi nhà thờ, chùa chiền, miếu mạc, thánh thất được thực sự và thuần tuý dùng vào việc thờ cúng hành đạo”. Chỉ “tịch thu”…của các Đoàn, Hội các tổ chức không được nhà nước thừa nhận …” Và chỉ “cải tạo” nhà, đất “cho thuê”, “còn trống” hoặc “dùng vào mục đích không phải thờ cúng, hành đạo…”. Như vậy, nếu căn cứ chính sách này, Tu viện Nha Trang là tổ chức Tôn giáo hoạt động hợp pháp, nhà- đất của Tu viện Nha Trang không “cho thuê”, không “bỏ trống” và được “dùng vào mục đích thờ cúng, hành đạo” nên nhà nước không thể “quản lý- sử dụng”. Quyết định số 3780/VP-CTNĐ của UBND tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hòa) “quản lý, sử dụng” mà thực chất “chiếm đoạt” Tu viện Nha Trang là không có căn cứ pháp luật.
b) Cần nói thêm, UBND tỉnh Phú Khánh lúc ấy cũng hoàn toàn không “thận trọng…”, không thực hiện các bước để “được sự đồng tình ủng hộ của đa số tín đồ Tôn giáo và tranh thủ ý kiến của những người tiến bộ đứng đầu các tổ chức Tôn giáo” như hướng dẫn của Thông tư số 31-BXD lúc bấy giờ.
c) Còn tại tiêu đề Quyết định số 3780/VP-CTNĐ nêu rõ là “…chính quyền nhà nước chấp nhận…” và phần căn cứ là “theo…Dòng Chúa Cứu Thế thỏa thuận giao…” để có thể hiểu là “Dòng Chúa Cứu Thế hiến tặng Tu viện Nha Trang” cũng là trái pháp luật. Vì lẽ như trên đã nêu, Quyết định số 434/TTg qui định rõ, chỉ có “cơ sở kinh doanh” của các tổ chức Tôn giáo mới được “có thể chấp nhận hiến”. “Người và tổ chức xin hiến tài sản phải tự giác kê khai rõ và đầy đủ…” Như vậy, theo qui định pháp luật lúc bấy giờ, Tu viện Nha Trang đang được sử dụng làm nơi “thờ phượng và hành đạo”, không phải là “cơ sở kinh doanh” nên dù có “xin hiến” nhà nước cũng không được “chấp nhận cho hiến”. Và Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam – Tổ chức Tôn giáo sở hữu Tu viện Nha Trang thực thụ theo Luật Đạo, pháp luật đời- cũng như Tu viện Nha Trang chưa bao giờ “tự nguyện xin hiến”, cũng như chưa bao giờ “tự giác kê khai…” giao cho nhà nước Tu viện Nha Trang. Căn cứ “giao” và “chấp nhận” quản lý, sử dụng Tu viện Nha Trang tại Quyết định số 3780/VP-CTNĐ là trái pháp luật.

III. Những qui định pháp luật và căn cứ pháp lý – sau năm 1978- mà UBND tỉnh Phú Khánh (Khánh Hòa ngày nay) viện dẫn để tiếp tục chiếm đoạt Tu viện Nha Trang là không có cơ sở, không phù hợp:
1) Thứ nhất, tại Quyết định số 996/QĐ-UBND ngày 10/11/2006 của UBND tỉnh Khánh Hòa V/v “giải quyết đơn của Linh Mục Phan Thiện Ân” (“Quyết định số 996/QĐ-UBND”) đã căn cứ vào các Nghị quyết số 23/2003/QH-11; Nghị định số 127/2005/NĐ-CP và Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH-11, với trích dẫn gần như nguyên văn qui định pháp luật tại các văn bản này là: “Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà- đất và chính sách cải tạo XHCN đã ban hành trước ngày 1/7/1991 và không thừa nhận việc đòi lại nhà- đất mà nhà nước đã bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà- đất và chính sách cải tạo XHCN liên quan đến nhà- đất” để quyết định “Bác đơn của Linh mục Phan Thiện Ân xin nhận lại nhà- đất số 40 Trần Phú, phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang (tức Tu viện Nha Trang). Quyết định số 996/QĐ-UBND này trái pháp luật và không có căn cứ; vì lẽ:
a) Về hình thức: Quyết định này vi phạm về thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu qui định tại Điều 36 Luật Khiếu nại- Tố cáo 1998 (được sửa đổi- bổ sung năm 2004 và năm 2005) (“Luật KN- TC”) hiệu lực lúc bấy giờ. Vi phạm về “nội dung phải có” theo qui định Điều 38 Luật KN-TC. Vi phạm “nghĩa vụ của người bị khiếu nại” theo qui định tại điểm a khoản 2 Điều 18 Luật KN-TC. Vi phạm nghĩa vụ “gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại…” qui định tại Điều 37 Luật KN-TC.
b) Về nội dung: Như trên đã nêu, việc “quản lý- sử dụng” Tu viện Nha Trang của UBND tỉnh Phú Khánh vào tháng 12 năm 1978 hoàn toàn không theo “chính sách quản lý về nhà đất” (cho- tặng nhà đất của Tổ chức Tôn giáo); cũng không theo “chính sách về cải tạo XHCN” đối với nhà – đất của Tổ chức Tôn giáo nên nay, lại căn cứ các chính sách ấy để “bác đơn Linh mục Phan Thiện Ân” là trái pháp luật. Nói cách khác, nhà nước chỉ “không thừa nhận việc đòi lại nhà- đất mà nhà nước đã bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà- đất và chính sách cải tạo XHCN liên quan đến nhà- đất”, nhưng trong trường hợp cụ thể của Tu viện Nha Trang, nhà nước đã “bố trí sử dụng” hoàn toàn không trong quá trình “thực hiện các chính sách…”

2) Cần nhấn mạnh, vào ngày 31/12/2008, Thủ tướng chính phủ đã có Chỉ thị số 1940/CT-TTg “về nhà- đất liên quan đến Tôn giáo” (“Chỉ thị số 1940/CT-TTg”) nêu rõ: “Nhà, đất liên quan đến tôn giáo mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng thì cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng phải sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến tình cảm tôn giáo của quần chúng tín đồ. Trường hợp sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu hồi để bố trí sử dụng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; trường hợp cơ sở tôn giáo có nhu cầu chính đáng sử dụng nhà, đất đó vào mục đích tôn giáo thì tùy từng trường hợp cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể xem xét giao nhà, đất với diện tích phù hợp; hoặc tạo điều kiện cho tổ chức tôn giáo xây dựng cơ sở mới theo quy định của pháp luật” (điểm a mục 3) . Như vậy, trong trường hợp cụ thể của Tu viện Nha Trang, việc sử dụng Tu viện Nha Trang vào mục đích kinh doanh khách sạn, nhà hàng, thương mại…là “làm ảnh hưởng đến tình cảm tôn giáo của quần chúng tín đồ”. Và, hiện tại, đã sau gần 10 năm kể từ ngày Linh mục Phan Thiện Ân yêu cầu được giao trả lại Tu viện Nha Trang- thì “nhu cầu chính đáng sử dụng vào mục đích Tôn giáo…” đối với Tu viện Nha Trang- với số lượng Tu sĩ, Linh mục và Giáo dân tăng cao, càng cần thiết hơn lúc nào hết để yêu cầu “UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét giao trả Tu viện Nha Trang cho Dòng Chúa Cứu Thế”.

IV. Việc “tư nhân hóa” giao Tu viện Nha Trang cho Công ty TNHH Miền Nhiệt Đới Nha Trang (“Tropicana Nha Trang”) thực hiện Dự án “Khu phức hợp Thương mại- khách sạn- căn hộ Tropicana Nha Trang và làm lối đi chung” theo Quyết định số 676/QĐUBND ngày 24/3/2015 là trái pháp luật:
1) Trước hết, như trên đã nêu, Chỉ thị số 1940/CT-TTg nêu rõ: “Nhà, đất liên quan đến tôn giáo mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng thì cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng phải sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến tình cảm tôn giáo của quần chúng tín đồ. Trường hợp sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu hồi để bố trí sử dụng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng…”:
- UBND tỉnh Khánh Hòa giao Tu viện Nha Trang – vốn sử dụng vào mục đích Tôn giáo, thực hành Lễ nghi, cầu nguyện, đào tạo Giáo sĩ, đã Thánh hiến dâng Thiên Chúa- cho Công ty Tropicana Nha Trang sử dụng thực hiện Dự án khách sạn, nhà hàng…là sai mục đích và làm ảnh hưởng tình cảm Tôn giáo của Giáo dân.
- Tu viện Nha Trang vốn được giao cho Công ty Du lịch Khánh Hòa quản lý sử dụng. Tại Văn bản 3142/UBND-KT ngày 23/6/2011 của UBND tỉnh Khánh Hòa V/v lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án cụm khách sạn Hải Yến- Viễn Đông đã khẳng định: “UBND tỉnh đã đồng ý về chủ trương cho phép liên kết, liên doanh để thực hiện phát huy hiệu quả khu đất…” Điều này khẳng định, Công ty Du lich Khánh Hòa đã sử dụng Tu viện Nha Trang được giao “không hiệu quả”. Căn cứ Chỉ thị số 1940/CT-TTg, phải xem xét giao trả cho Dòng Cháu Cứu Thế hoặc ít là “thu hồi để bố trí sử dụng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng “chứ không thể thu hồi để thực hiện dự án “tư nhân hóa” như UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện. Quyết định số 676/QĐ-UBND là trái với chỉ thị Thủ tướng chính phủ. Đồng thời, với Quyết định cho tư nhân đầu tư “căn hộ” dẫn đến “chia nhỏ” quyền sở hữu- quyền sử dụng Tu viện Nha Trang, với nhiểu “chủ căn hộ” mới, nhằm mục đích xóa sổ Tu viện Nha Trang, dẫn đến những “tranh chấp phức tạp” sau này…

2) Căn cứ trường hợp cụ thể này, theo Luật Đất đai, đất thuộc Tu viện Nha Trang được nhà nước thu hồi của cơ sở sản xuất- kinh doanh (Công ty Du lịch Khánh Hòa) “mà tài sản gắn liền với đất” là Tòa nhà Tu viện Nha Trang – hiện đang thuộc sở hữu nhà nước; và trường hợp “sử dụng đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp” thì buộc phải “cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất” theo qui định tại điểm d, điểm e khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai 2013. Và phải tuân theo trình tự “thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất” qui định tại Điều 119 Luật Đất đai 2013. Quyết định số 676/QĐ-UBND cho Tropicana Nha Trang thuê đất thuộc Tu viện Nha Trang theo hình thức “giao đất” là trái pháp luật.

Cần nhấn mạnh, khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai 2013 có qui định một số trường hợp “loại trừ” không phải đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng “không loại trừ” cho trường hợp nhà nước cho tổ chức kinh tế thuê “đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh”- (qui định tại điểm e khoản 1 Điều 56 Luật Đất đai 2013) – như trường hợp khoản 2 Điều 1 Quyết định số 676/QĐ-UBND.

Cũng vậy, theo qui định tại điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị định số 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Tropicana Nha Trang chỉ có thể là “chủ đầu tư dự án” sau khi trúng “đấu giá quyền sử dụng đất theo qui định pháp luật về đất đai”. Tương tự qui định tại điểm a khoản 2 Điều 22 Luật Nhà ở 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015).

Không đấu giá quyền sử dụng đất mà nhanh chóng “giao đất” vừa không phù hợp pháp luật, vừa thể hiện quyết tâm “tư nhân hóa”, “xóa sổ” Tu viện Nha Trang của UBND tỉnh Khánh Hòa, vừa “triệt tiêu” các nhà đầu tư có đủ điều kiện, năng lực khác.



 
Ghi chú: các khu nhà màu đỏ trong hình là khu vực bị chiếm làm khách sạn Viễn Đông, bên cạnh Ks Hải Yến. Cả 2 khu vực này đều nằm trong đất của Tu viện DCCT Nha Trang có diện tích gần 24.000 m2.
Nguồn: Tin Mừng Cho Người Nghèo
Khánh Hòa: Chính Quyền Chiếm Đoạt Và Tư Nhân Hóa Tu Viện DCCT Nha Trang Reviewed by Unknown on 4/19/2015 Rating: 5 NHÀ CẦM QUYỀN TỈNH KHÁNH HOÀ CHIẾM ĐOẠT VÀ TƯ NHÂN HOÁ TU VIỆN DCCT NHA TRANG HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ BẤT CỨ CƠ SỞ PHÁP LUẬT NÀO GNsP (19.04...

Không có nhận xét nào: